Trả lời được những câu hỏi sau bạn sẽ biết phải khởi nghiệp thế nào
Mà thôi, đó là chuyện trên trời, hãy để cho các vị doanh nhân thành đạt hay các nhà hoạch định chính sách quốc gia lo. Còn chúng ta – những người trẻ đang mong muốn làm giàu – có lẽ điều cần làm hơn là lo cho bản thân cái đã.
Khởi nghiệp hay không khởi nghiệp không phải là một câu hỏi dễ trả lời nhưng nhất định cần được trả lời bởi chính người trong cuộc. Mọi lời khuyên, mọi kinh nghiệm chỉ nên là thông tin tham khảo bởi không ai khác ngoài bạn biết bạn muốn gì, có gì và có thể làm gì.
Mới đây bên lề tọa đàm về chủ đề trên, Chủ tịch FPT Software Hoàng Nam Tiến nói: Nếu các bạn muốn khởi nghiệp thành công thì đừng cố gắng nương bóng ai cả, đặc biệt là những ông già mà lại thành công, bởi những người già thành công bao giờ cũng có những suy nghĩ giới hạn.
“Tôi biết các bạn hôm nay muốn lắng nghe những người thành công truyền đạt kinh nghiệm, nhưng thật lòng, nên tránh xa họ ra.”
Có thể coi đây là “một phút sự thật về startup” rất nên được những người khởi nghiệp nghiêm túc xem xét thay vì nhảy dựng lên phản bác để bảo vệ “thần tượng”.
Cách đây ít lâu, trong lúc “trà dư tửu hậu”, tôi có nói vui với mấy người bạn rằng ngày nay phong trào khởi nghiệp, ‘startup’ đang như một… bệnh dịch! Nói giống bệnh dịch bởi đúng là “khởi nghiệp” dễ lây lan kinh khủng. Nó vừa dễ lây lan, lại vừa dễ gây nghiện.
Khởi nghiệp, khởi nghiệp, khởi nghiệp! Chưa bao giờ hai từ này lại phổ biến đến vậy. Ngóc ngách nào cũng thấy nói về khởi nghiệp. Ai ai cũng tìm hiểu về khởi nghiệp. Các lớp dạy khởi nghiệp, dạy làm giàu mọc lên như nấm sau mưa. Và các vị đã thành đạt tha hồ chém gió!
Nhưng thực tế thì sao? Các bạn hãy bình tĩnh lùi lại một bước xem Việt Nam có bao nhiêu ‘startup’ thành công lưu danh sử sách trên bản đồ kinh doanh thế giới, bao nhiêu doanh nghiệp giữ vai trò đầu tàu đối với tăng trưởng GDP quốc gia?
Mà thôi, đó là chuyện trên trời, hãy để cho các vị doanh nhân thành đạt hay các nhà hoạch định chính sách quốc gia lo. Còn chúng ta – những người trẻ đang mong muốn làm giàu – có lẽ điều cần làm hơn là lo cho bản thân cái đã.
Khởi nghiệp hay không khởi nghiệp không phải là một câu hỏi dễ trả lời nhưng nhất định cần được trả lời bởi chính người trong cuộc. Mọi lời khuyên, mọi kinh nghiệm chỉ nên là thông tin tham khảo bởi không ai khác ngoài bạn biết bạn muốn gì, có gì và có thể làm gì.
Để giúp các bạn tự đánh giá về bản thân, từ thực tiễn kinh nghiệm làm việc với hơn 100 khách hàng khởi nghiệp trong hơn 2 năm qua, tôi đề xuất 5 câu hỏi dưới đây. Trả lời được chúng sẽ giúp bạn hiểu hơn về bản thân, về những khả năng, kỹ năng mình có và còn thiếu để từ đó quyết định có nên khởi nghiệp và nếu có thì chủ động hơn để có thể thành công.
Câu hỏi 1: Tại sao bạn khởi nghiệp kinh doanh?
Câu hỏi đầu tiên bạn phải trả lời được là tại sao bạn muốn hay tại sao bạn phải khởi nghiệp? Bạn không thể khởi nghiệp chỉ vì bạn đang… thất nghiệp.
Bạn cũng không thể khởi nghiệp bởi thấy bạn bè hay người khác làm như vậy. Hiểu rõ về động cơ của bản thân sẽ giúp bạn sẵn sàng cho một hành trình dài hạn, nhiều lúc rất cô đơn (xin nhấn mạnh là rất cô đơn, bởi không phải lúc nào ta cũng muốn vợ, chồng, bố mẹ, hay người thân phải lo lắng về những thách thức ta đang gặp phải) nhưng cũng rất vinh quang, đó là hành trình khởi nghiệp.
Câu hỏi 2: Mục tiêu kinh doanh và mục tiêu cá nhân của bạn là gì?
Khi mở một nhà hàng bạn cần xác định rõ mục tiêu của nhà hàng là gì về mặt doanh số, về mặt quy mô, về mặt thương hiệu. Bên cạnh đó, bạn cần xác định rõ mục tiêu mà cá nhân bạn đang hướng tới trong cuộc đời là gì và business (nhà hàng) đó sẽ giúp gì cho bạn trong việc hiện thực hóa các mục tiêu này.
Để có thể say sưa và chiến đấu hết mình với nó, mục tiêu của business cần ‘đồng hành’ với mục tiêu cá nhân (ví dụ, nếu mở nhà hàng, mục tiêu cá nhân của bạn có thể là trở thành chuyên gia số 1 về ẩm thực Việt Nam). Và những mục tiêu business này cần được định lượng, định tính cụ thể, rõ ràng, bao gồm cả đích đến dài hạn lẫn các chỉ tiêu, mục tiêu cho từng giai đoạn (ví dụ: sau 1 năm, sau 5 năm, sau 10 năm).
Câu hỏi 3: Những kỹ năng bạn có là gì?
Bạn phải điểm danh được những kỹ năng mà bạn và/hoặc cộng sự, nhân viên của bạn có. Đồng thời phải phân tích được những kỹ năng này sẽ giúp như thế nào trong công việc kinh doanh sắp tới?
Nên nhớ, rất nhiều kỹ năng là có thể ‘mang sang được, chuyển đổi được’ (transferable skills). Chẳng hạn, nếu bạn đã từng là nhân viên trực điện thoại quầy lễ tân thì bạn cũng sẽ có kỹ năng phục vụ khách hàng (customer service).
Câu hỏi 4: Bạn cần phải tạo ra được mức thu nhập bao nhiêu?
Đây là một câu hỏi cực kỳ quan trọng và nhất định phải có câu trả lời chính xác.
Một khi bạn khởi nghiệp kinh doanh, bạn dành toàn bộ thời gian và tâm sức cho công việc này (nói thêm: tôi chưa từng thấy ai khởi nghiệp kiểu bán thời gian mà có thể thành công. Khởi nghiệp cũng không thể chỉ là full time mà chỉ có thể là overtime). Điều này đồng nghĩa với việc toàn bộ thu nhập có được từ công việc đi làm thuê trước đây bị cắt hết. Bạn sẽ phải sống bằng tiền tiết kiệm được và phải nhanh chóng tạo ra thu nhập từ công việc kinh doanh.
“Có thực mới vực được đạo”, bạn phải kiếm đủ ăn thì mới mong có sức lực chiến đấu dài hạn để đưa công việc kinh doanh đến đích cần đến. Việc tính toán mức thu nhập tối thiểu cần tạo ra trong thời gian nhanh nhất sẽ giúp bạn hình dung thêm về tính khả thi của ý tưởng kinh doanh.
Câu hỏi 5: Điểm lợi và bất lợi đối với bạn khi khởi nghiệp kinh doanh?
Cuối cùng, bạn hãy liệt kê và so sánh toàn bộ điểm thuận lợi và không thuận lợi bạn có khi bắt tay khởi sự kinh doanh. Ví dụ, thuận lợi là nhà có sẵn địa điểm để mở quán cà phê, và không thuận lợi là mất thu nhập từ công việc đang làm.
Trong một số trường hợp, sau khi so sánh, bạn có thấy rằng ở thời điểm hiện tại, khi thời cơ chưa chín muồi, thì việc tiếp tục đi làm thuê để tích lũy vốn và chờ thời là quyết định sáng suốt hơn. Đam mê là quan trọng, nhưng hãy đừng khởi nghiệp chỉ với lòng đam mê.
Tạm kết:
Đam mê, giàu trí tưởng tượng là rất cần thiết để có thể sáng tạo, nhưng bạn nên sáng suốt và thực tế. Chỉ khởi nghiệp khi bản thân thực sự đã sẵn sàng VÀ có một ý tưởng kinh doanh khả thi, một kế hoạch kinh doanh đã được ‘validated’. Ngược lại, hãy toàn tâm toàn ý cống hiến và tạo giá trị ở ngay tổ chức mình đang là thành viên. “Làm tốt nhất việc mình đang làm” đó là lời khuyên của chuyên gia thương hiệu Nguyễn Đức Sơn khi nói về việc xây dựng thương hiệu cá nhân để tạo giá trị.
Đồng ý là không ai nắm chắc 100% phần thắng, không ai nói trước được tương lai, và trong kinh doanh thì khả năng chấp nhận rủi ro là cần thiết. Thế nhưng, đừng cố gắng khởi nghiệp theo kiểu đánh cược mà chuẩn bị thật kỹ để có từng bước đi chủ động. Được như vậy nếu có thất bại, bạn vẫn sẽ giữ được sự tự tin. Và theo tôi, sự tự tin chính là nguồn vốn, nguồn lực quan trọng nhất, tiên quyết nhất và cần phải được bảo vệ nhất trong mọi nguồn vốn của mỗi con người để đi đến thành công.
Leave a Reply