Những bí quyết để thành công trong công việc

Vì vậy, nếu bạn nào còn nghĩ rằng vào ngân hàng cứ từ từ mà tiến thì nên xem lại quan điểm đó.

Khi trúng tuyển vào ngân hàng, một trang mới trong cuộc đời của bạn mở ra với nhiều ước mơ và hoài bão hơn. Nhưng đôi khi cảm giác chiến thắng này níu kéo bạn quá lâu giống như thời gian bạn vừa đỗ đại học vậy. Nhiều bạn nói rằng cái gì đến sẽ đến, trăng đến ngày trăng tròn, cứ từ từ mà làm việc, rồi sẽ được tăng lương, lên chức,… Nhưng sự thật không phải như vậy đặc biệt là trong thời buổi hoạt động ngân hàng khó khăn như bây giờ ở Việt Nam.
1. Những mối lo của nhân viên ngân hàng


1.1 Giảm lương
Hiện nay, nhân viên ngân hàng bị giảm lương và cho nghỉ việc là chuyện “thường ngày ở huyện”. Bản thân tôi đã từng chứng kiến điều này, khi tôi vào Vietinbank vào tháng 6/2012. Sau 2 tháng thử việc với một mức lương khá tốt, vừa bắt đầu ký hợp đồng 1 năm, đã nghe tin dữ là sẽ giảm 30% lương kinh doanh (hồi đó Vietinbank chia ra 2 lần trả lương lương cơ bản để tính đóng bảo hiểm xã hội trả vào giữa tháng, lương kinh doanh trả vào cuối tháng). Hơn 1 năm sau đó, toàn bộ các nhân viên HSC sắp xếp lại bảng lương và chỉ được chi trả lương tạm ứng hàng tháng bằng 80% mức lương được xếp trên bảng lương. Nếu cuối năm đánh giá mà không hoàn thành 100% công việc thì 20% còn lại sẽ được quyết toán theo tỷ lệ hoàn thành công việc.
1.2 Bị cho nghỉ việc
Về nhân viên ngân hàng nghỉ việc, theo thống kê của năm vừa rồi, các ngân hàng khá mạnh tay trong việc cắt giảm nhân sự.

Nhìn vào bảng trên các bạn có thể thấy, khối ngân hàng TMCP cắt giảm nhân sự rất mạnh, đến cả nghìn người, thậm chí là khối các ngân hàng quốc doanh tỷ lệ cắt giảm cũng không phải là ít. Các ông chủ ngân hàng có vô số chiêu thức để “ép” các nhân viên buộc phải thôi việc tự nguyện
Vì vậy, nếu bạn nào còn nghĩ rằng vào ngân hàng cứ từ từ mà tiến thì nên xem lại quan điểm đó.
2. Những giải pháp
Khi biết về những mối lo của nhân viên ngành ngân hàng như vậy, nhiều bạn sẽ băn khoăn tự hỏi đâu là hướng đi cho những nhân viên chúng ta đây. Một ngày nào đó nhận được “1 tờ giấy A4” ở trước mặt thì biết làm như thế nào. Trong một buổi hội thảo về định hướng nghề nghiệp về ngành ngân hàng, tôi đã tìm được câu trả lời từ một người tôi rất ngưỡng mộ. Đó là những chia sẻ thực tế của chị Lê Thị Việt Nga – Giám đốc đầu tư của Quỹ Techcom Capital, chị đã chia sẻ những gì chị đã trải qua từ một sinh viên mới ra trường với khởi đầu là một giao dịch viên ở BIDV. Hai nguyên tắc này vẫn được chị áp dụng đến ngày hôm nay: Một là không bao giờ ngừng học tập, hai là đừng bao giờ giới hạn bản thân mình trong bản mô tả công việc (JD) cả.
2.1 Nguyên tắc 1: Không bao giờ ngừng học hỏi.
Để làm được điều này, bạn cần phải học hỏi và bổ sung cho mình cả những kiến thức học thuật và những kiến thức thực tế trong công việc.
Về kiến thức học thuật, đầu tiên, hãy tìm lại các cuốn sách giáo trình chuyên ngành ở trong trường đại học, đọc và hệ thống lại kiến thức. Nhiều bạn nói rằng, kiến thức bên ngoài khác xa với những gì mình được dạy, kiến thức học trong trường chẳng phục vụ được mấy. Tôi không hoàn toàn đồng ý với quan điểm này, tôi nghĩ rằng kiến thức trong trường đại học giống như những bài tập cơ bản khi bạn lái xe ô tô vậy, chỉ vượt qua ngần đấy bài với những mẹo vặt đi thi thì bạn đã có bằng lái xe với số điểm cao rồi. Nhưng ra ngoài đường lái xe thật, nhiều tình huống thiên biến vạn hóa, đôi khi có cả những bài tập lái, những ứng xử trong trường không dạy nhưng vẫn dựa trên nền tảng là những bài tập lái thô sơ trong trường. Ví dụ, khi học lái xe ô tô, trong bài thi bạn chỉ được học ghép xe dọc, tuy nhiên, ở ngoài thực tế còn có ghép xe song song, trong lúc học bạn cũng sẽ không biết được những ứng xử khi gặp cảnh sát giao thông là như thế nào, những lỗi nào lái xe hay vi phạm,… tất cả những điều đó chỉ được dạy trên trường đời.
Bản thân tôi, ngay sau khi đỗ vào Vietinbank, tôi đã tự đọc lại cuốn sách quản trị ngân hàng thương mại của Peter Rose để hiểu thêm về hoạt động ngân hàng. Bên cạnh đó, tôi tiếp tục học CFA level 2 để hiểu biết thêm về thị trường tài chính. Những kiến thức tôi học được đôi khi không được vận dụng ngay vào trong công việc, song nó giúp tôi diễn đạt vấn đề một cách logic hơn, đọc và chắt lọc các thông tin trên báo chí tốt hơn.
Tôi rất thích câu nói “Tri thức không là sức mạnh, vận dụng tri thức mới là sức mạnh”. Vì vậy, ban đầu, bạn hãy có tri thức trước, sau đó dần tìm cách vận dụng nó.
Về kiến thức thực tế, đây là những kiến thức bổ ích mà bạn được trải nghiệm khi đi làm. Có thể là những kiến thức bạn học được trong công việc, kỹ năng mềm ứng xử với đồng nghiệp, ứng xử với sếp, những kiến thức về kinh tế tài chính diễn ra hằng ngày trên thị trường. Như bài viết trước tôi đã chia sẻ với những quy tắc vàng cho lính mới, các bạn nên “học chiêu thức trước khi học tâm pháp” và nên ghi chép lại những cách thức công việc mình đã học, thực hành.
Bản thân tôi cũng bổ sung các kiến thức thực tế cho mình hằng ngày bằng cách đọc sách báo, xem các tin tức về tình hình thị trường tài chính và phải ghi chép lại để tiện cho việc trả cứu thống kê sau này. Bên cạnh đó, thời gian rảnh, tôi thích đọc sách về quản trị cuộc đời, các sách dạy kinh doanh và làm giàu. Bằng những việc làm đơn giản hằng ngày đó, tôi đã tích lũy được thêm cho mình vốn sống, kiến thức và các kỹ năng cần thiết cho công việc.
2.2 Đừng bao giờ giới hạn bản thân trong bản mô tả công việc của mình.
Khi bạn được vào ngân hàng, hầu hết, các bạn sẽ chỉ biết công việc của mình, trong phòng mình, xa hơn nữa là các công việc trong khối. Hiếm khi nào bạn có cơ hội nhìn được tổng quan toàn bộ hoạt động của ngân hàng là như thế nào. Điều này sẽ hơi khác một chút khi bạn vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), bạn sẽ được thực hành, va chạm nhiều hơn và biết được cấu trúc kinh doanh (Business structure) của công ty là như thế nào.
Để tránh trường hợp xấu nhất xảy ra, bạn phải là người biết nhiều nghề nhưng giỏi một nghề. Khi đó, kể cả khi bạn không còn được trọng dụng, bạn vẫn có cơ hội để có một công việc khác. Kinh nghiệm của tôi là hãy để ý các điều xung quanh, luôn tự đặt ra các câu hỏi tại sao phải làm việc này, tại sao phải làm việc kia và từ từ, bình tĩnh giải quyết các câu hỏi tại sao đó. Đừng bao giờ đi hỏi ngay để tìm câu trả lời, dần dần qua thời gian, bạn sẽ trả lời được những câu hỏi đó bằng chính kinh nghiệm làm việc của bạn. Tôi cũng sẵn sàng làm các công việc khác mà các đồng nghiệp nhờ mình khi rảnh rỗi. Mỗi khi được làm các công việc của đồng nghiệp, tôi cố gắng tìm mối liên quan với công việc của mình.
Khi chị Lê Thị Việt Nga chia sẻ về kinh nghiệm của chị khi còn làm giao dịch viên ở BIDV, chị cũng nói thật là hơi chán nản với công việc của một GDV hằng ngày cứ đều đều, vì vậy, chị đã cố gắng đi học tiếng Anh và luyện thi TOEFL. Khi đi đóng tiền thi TOEFL, chị đã có ý tưởng làm một sản phẩm thanh toán mới và kiến nghị lãnh đạo BIDV làm việc này. Sau đó, chị được cử sang Citibank để học hỏi cách thức vận hành và triển khai sản phẩm tương tự. Chị nói rằng nếu chỉ giới hạn với những kiến thức mình đã có, những công việc mình đang làm thì không bao giờ chị có được thành công như ngày hôm nay.
Tóm lại, tuổi trẻ đừng bao giờ giới hạn mình hãy luôn nỗ lực và phấn đấu, hãy từng bước xây dựng một lộ trình công danh cho bản thân mình, “Không có ngôi trường nào đào tạo Tổng thống, mà tất cả mọi điều đều có thể được học”

Cùng Danh Mục:

Liên Quan Khác

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *