Các bước đơn giản để chọn nghề đúng với bản thân
Từ đó các bạn học sinh cấp ba có thể bắt đầu tìm hiểu những thông tin về các trường Đại học, Cao đẳng có ngành nghề mình mong muốn, phù hợp với năng lực học, điều kiện kinh tế cá nhân để nộp đơn dự thi.
Bốn năm đại học không phải là ngắn, đừng vội vàng “nhắm mắt đưa chân” để rồi đánh mất thời gian và công sức của chính bản thân chỉ vì nhầm lẫn trong việc lựa chọn nghề nghiệp.
Ông Phan Thế Đức, chuyên gia MBTI thuộc Tập đoàn Đào tạo & Tư vấn triển khai TOP PION chia sẻ, có 3 bước đơn giản nhằm giúp các bạn học sinh và các bậc phụ huynh có một cái nhìn khoa học và toàn diện nhất về việc định hướng nghề nghiệp như sau:
1. Hiểu rõ bản thân mình
Để có được một sự lựa chọn đúng đắn về nghề nghiệp, việc đầu tiên và cơ bản nhất là cần nắm rõ những điểm mạnh, điểm yếu; thiên hướng tính cách và năng lực của bản thân mình. Hiện nay trên thế giới có một số công cụ khá nổi tiếng về nhận diện tính cách; các điểm nổi trội về năng lực cá nhân như MBTI, DISC, SMART…Ngoài ra, chuyên gia cũng khẳng định rằng một trong những cách tốt nhất để hiểu rõ bản thân mình là khi chúng ta tham gia càng nhiều vào các hoạt động xã hội và va chạm càng nhiều trong cuộc sống.
2. Hãy nhìn tổng quan về nghề nghiệp mình mong muốn
Chuyên gia Phan Thế Đức cho biết rằng đây là một trong những yếu tố rất cần thiết trong việc hướng nghiệp cho tương lai. Khi quyết định chọn lựa một nghề nào đó, các bạn cần hình dung ra công việc cụ thể sẽ như thế nào; những tố chất và kỹ năng nào cần thiết cho ngành nghề đó; thực trạng, xu hướng về nhu cầu của nghề nghiệp đó như thế nào trong xã hội.
Cụ thể hơn: khi chọn Marketing làm nghề nghiệp của mình thì các bạn cần phải biết: Marketing là gì? Công việc của người làm Marketing ra sao? Trong nghề Marketing đòi hỏi những kỹ năng nào, tố chất nào và đâu là nhân tố cốt lõi để quyết định thành công của nghề Marketing? Thật ngạc nhiên khi rất nhiều sinh viên không thể trả lời được những câu hỏi về nghề nghiệp của chính chuyên ngành mà các bạn đang theo học. Bốn năm đại học không phải là ngắn, đừng vội vàng “nhắm mắt đưa chân” để rồi đánh mất thời gian và công sức của chính bản thân mình.
3. Liên kết giữa đặc điểm bản thân và yêu cầu nghề nghiệp
Sự so sánh giữa những đặc điểm tính cách, năng lực của bản thân với thông tin chi tiết của các nghề nghiệp có liên quan sẽ giúp bạn tìm ra cho mình nghề nghiệp có mức độ phù hợp cao nhất. Từ đó các bạn học sinh cấp ba có thể bắt đầu tìm hiểu những thông tin về các trường Đại học, Cao đẳng có ngành nghề mình mong muốn, phù hợp với năng lực học, điều kiện kinh tế cá nhân để nộp đơn dự thi.
Theo ông Đức, các chương trình hướng nghiệp mới chỉ giới thiệu về thông tin của các trường Đại học, Cao đẳng; chỉ tiêu tuyển sinh, điểm chuẩn hay cơ hội nghề nghiệp mà quên đi các bước “định hướng” vô cùng quan trọng phía trên. Vì vậy, học sinh cấp ba cũng như các bậc phụ huynh chưa có được cái nhìn toàn diện và vẫn mãi loay hoay với “bài toán” định hướng nghề nghiệp. Vì vậy, cá nhân mỗi người phải tự tìm hiểu, khám phá bản thân để tìm cho mình những ngành nghề phù hợp nhất để có một sự nghiệp vững chắc sau này. Không ai có thể làm điều này thay cho bạn.
Leave a Reply